Năm 2020 đã đến rất gần. Bước sang năm mới cũng là thời điểm mà những thông tư mới về kế toán có hiệu lực. Bài viết này, Kế Toán Xuân Nhi xin chia sẻ những quy định về kế toán có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Các kế toán và các doanh nghiệp cần nắm bắt và cập nhật các thông tin này để đảm bảo hoạt động kinh doanh được triển khai hợp lý và đúng luật.
1. Kế toán không còn phải gửi báo cáo duy trì điều kiện hành nghề
Thông tư 44/2019/TT-BTC sửa đổi một số quy định về hành nghề dịch vụ kế toán, được Bộ Tài chính ban hành giữa năm 2019 nhưng chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư này mà những người làm nghề kế toán cần biết là: Không còn quy định kế toán phải gửi báo cáo duy trì điều kiện hành nghề.
Cụ thể, bãi bỏ quy định:
“Chậm nhất là ngày 31/8 hàng năm, kế toán viên hành nghề phải gửi Báo cáo duy trì điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán hàng năm cho Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 08/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư 296”.
2. Không tuyển dụng công chức ngạch kế toán viên sơ cấp
Thông tư 77/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và xếp lương với các ngạch công chức ngành kế toán cũng sẽ có hiệu lực từ 01/01/2020.
Tại Thông tư này, các chức danh công chức đối với ngạch kế toán viên cao đẳng (06a.031) và ngạch kế toán viên sơ cấp (06.033) đã không còn được quy định.
Đồng thời, khoản 4 Điều 24 của Thông tư cũng nhấn mạnh:
“Các cơ quan quản lý, sử dụng công chức không thực hiện việc tuyển dụng công chức ngạch kế toán viên sơ cấp, không thực hiện chuyển ngạch công chức sang ngạch kế toán viên sơ cấp kể từ ngày 01/01/2020”.
Lưu ý, theo quy cách xếp lương tại Thông tư này, lương của công chức kế toán năm 2020 sẽ cao nhất là 11,25 triệu đồng/tháng
3. Áp dụng chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã mới
Ngày 01/01/2020 cũng là thời điểm Thông tư 70/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã có hiệu lực.
Thông tư này quy định:
– Các xã phải mở sổ kế toán để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh của xã.
– Các xã chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết
– Việc lập báo cáo tài chính phải được căn cứ vào số liệu kế toán sau khi khóa sổ kế toán; phải được lập đúng nguyên tắc, nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán, trường hợp báo cáo tài chính trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do…
Đặc biệt, kể từ ngày 01/01/2020, UBND xã, phường, thị trấn trong cả nước áp dụng thống nhất 16 mẫu chứng từ kế toán.
4. Hướng dẫn mới về kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 76/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi. Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/01/2020.
Thông tư này quy định về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán và sổ kế toán dùng để hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Thông tư áp dụng đối với các doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, không tính tài sản thuộc thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các cơ quan được thực hiện kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…